TIN TỨC XÃ HỘI

Người thầy từ trại giam đến giảng đường đại học
[ Cập nhật vào ngày (10/02/2015) ]

Bị kết án 12 năm tù, chàng cử nhân tiếng Anh loại ưu Nguyễn Trung Thành thấy bầu trời như sụp đổ. Những ngày bị biệt giam ngồi tĩnh tâm và nghe lời khuyên của bạn tù, anh quyết làm lại cuộc đời.


Đã 8 năm trôi qua kể từ ngày bị công an bắt giữ, Nguyễn Trung Thành (33 tuổi, giảng viên tiếng Anh của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) vẫn nhớ như in tiếng cửa sắt phòng gian chát chúa đóng rầm. Năm ấy chàng cử nhân tiếng Anh tốt nghiệp loại ưu của ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đang làm phiên dịch cho một công ty xây dựng ở Nha Trang (Khánh Hòa). Anh vướng vào án môi giới hối lộ và bị xử phạt 12 năm tù (năm 2007).

"Bị tạm giam là thời gian kinh khủng nhất của một con người. 24/24h tôi phải ở trong phòng, không được gặp mặt, tiếp xúc với ai. Ban đầu tôi nghĩ mắc tội liên quan đến kinh tế thì sẽ ở khu riêng, nhưng lúc cánh cửa phòng giam đóng kín, trước mắt tôi là 30 con người to lớn, xăm trổ liên quan đến đủ các tội ma túy, cướp bóc... Tôi thấy cuộc đời mình như khép lại", Nguyễn Trung Thành chia sẻ. 

thay-giao-o-tu-2-5059-1421653633.jpg
Nguyễn Trung Thành (33 tuổi), giảng viên tiếng Anh của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, từng chịu án ngồi tù sau đó làm lại cuộc đời và được sinh viên, đồng nghiệp yêu quý. Ảnh: Quỳnh Trang.
Từng là niềm tự hào của gia đình, làng xã khi đỗ vào ĐH Quốc gia, năm thứ 3 đã cùng bạn bè lập được quỹ giúp đỡ học sinh, sinh viên quê nhà Bắc Giang với khoản tiền 100 triệu đồng/năm, do đó khi mắc án Thành khủng hoảng, tủi nhục, chán chường. Bao nhiêu mơ ước, dự định của anh bị chặn đứng. Nghĩ không còn gì để mất, Thành đánh lộn rồi nhận phạt 4 tháng biệt giam.

Một mình ngồi nơi ngục tối, Thành thèm khát cuộc sống tự do. Tháng ngày cô đơn không thấy ánh mặt trời này đã dạy cho anh biết trầm tĩnh. Nhớ lời khuyên của một đàn anh trong phòng tạm giam "là đàn ông, có gan làm phải có gan chịu, phải biết thay đổi để mà tồn tại", Thành bừng tỉnh nhận ra bao nhiêu người bị kết án chung thân vẫn vui vẻ, mình chẳng có lý do gì để chán sống. Anh bắt đầu nghĩ đến phương án sinh tồn trong trại, những dự định khi về với tự do.

Là người có học, nhiều tài lẻ và khả năng ăn nói tốt, khi về thụ án ở trại A2 Khánh Hòa, Thành được giao trọng trách trưởng ban quản lý phạm nhân. Những buổi nói chuyện trước hàng trăm bạn tù rèn cho anh kỹ năng thuyết trình, sư phạm mà không ngờ sau khi rời trại lại cần đến. 

"Truyền cảm hứng, thuyết phục được các phạm nhân khó hơn nhiều so với các sinh viên. Khi nói chuyện với họ, tôi phải vừa hài hước, vừa gần gũi để tạo niềm tin, sự ủng hộ, từ đó phân tích, động viên để họ sống tốt hơn. Dạy ở trường đại học, tôi cũng áp dụng những phương pháp này, chỉ khác về kênh ngôn ngữ", Trung Thành chia sẻ.

Sau 3 năm thụ án, với thành tích cải tạo xuất sắc, mùa hè 2010 Thành được trả tự do. Về Bắc, anh mở quán phở để thỏa mãn cơn "khát" món ngon Hà thành, làm nơi tụ hội bạn bè, cập nhật lại những gì đã bỏ lỡ và đặc biệt thể hiện mình còn khả năng làm được việc. Qua giới thiệu năm 2011, Thành thi vào dạy tiếng Anh ở ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Với kết quả đứng top 5/100 người được điểm cao nhất và hoàn thành tốt quá trình thử thách, một năm sau anh được nhận làm giảng viên chính thức của trường.

thay-giao-o-tu-3-6666-1421653634.jpg
Thầy giáo Nguyễn Trung Thành cùng vợ và sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ngoài giảng dạy ở trường, thầy Thành còn mở các lớp tình nguyện dạy tiếng Anh cho trẻ em ở quê nhà (xã Song Vân, Tân Yên, Bắc Giang) và tại Campuchia. Ảnh: Quỳnh Trang.
"Dù không ghi quá khứ từng ở trại trong hồ sơ, nhưng tôi nghĩ mình ít có cơ hội được tuyển vì chưa qua lớp nghiệp vụ sư phạm nào. Bí việc và mong muốn lấy lại hình ảnh đã mất, tôi đã làm việc hết mình, may mắn cũng mỉm cười", anh Thành nói.

Với quan niệm giảng dạy trước hết phải tạo được sự hứng thú cho sinh viên, thầy giáo Trung Thành luôn cố gắng tạo không khí vui vẻ cho lớp học. Thay vì chỉ nói lý thuyết, anh kể chuyện, tạo các tình huống cho học sinh tư duy và trả lời bằng tiếng Anh. 

"Giờ tiếng Anh của thầy Thành là tiết học không chỉ em mà hầu hết bạn cùng lớp thích nhất trong tuần. Thầy Thành có phương pháp dạy rất độc đáo và lớp học luôn tràn ngập tiếng cười. Thầy giáo thường cho chúng em luyện kỹ năng nói nhiều hơn, bằng những câu đơn giản, gần gũi đời sống. Cái hay của thầy là luôn khuyến khích sinh viên dù đúng hay sai vẫn cứ nói đi đã. Điều đó làm chúng em hứng thú, tự tin hơn với việc phát âm tiếng Anh", Phan Xuân Hoài, sinh viên năm 2 khoa Kinh tế, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nói. 

Nam sinh này còn "mê mẩn" tiết học của giảng viên Trung Thành bởi những câu chuyện vừa hóm hỉnh vừa đầy tính triết lý sâu sắc về cuộc sống mà thầy giáo thường kể trên lớp. Mới đây, khi biết chuyện thầy giáo từng phải chịu án tù, Hoài và các bạn thấy thấm thía hơn những lời khuyên thầy Thành thường gửi gắm qua mỗi câu chuyện. "Đi tù là sự trả giá cho những gì thầy làm trước kia. Còn ở thời điểm hiện tại, thầy đã chứng minh được năng lực của mình và muốn cống hiến nó thì đó là điều rất đáng quý. Sinh viên ĐH Kinh doanh và Công nghệ chúng em tự hào khi có một người thầy như vậy, người khơi gợi cảm hứng, truyền kiến thức và những câu chuyện ý nghĩa về cuộc đời", Xuân Hoài chia sẻ. 

Ngoài giảng dạy trên lớp, Nguyễn Trung Thành còn phụ đạo tiếng Anh, kỹ năng sống miễn phí cho các CLB của sinh viên trong trường. Những buổi cà phê, trà đá hay bữa cơm thân thiết với sinh viên tại gia đình mình khiến tình thầy - trò thêm gắn kết. Nguyễn Việt Hưng (năm 3, khoa Du lịch), Nguyễn Đăng Khoa (năm 4, khoa Tài chính) và nhiều sinh viên ĐH Kinh doanh và Công nghệ khác gọi Trung Thành là "người anh và thầy giáo tuyệt nhất của mình". Nữ sinh Lâm Thị Hường vì cảm phục và yêu thương, đã kết hôn cùng thầy giáo Trung Thành.

TS Nguyễn Kim Sơn, Phó chánh văn phòng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đánh giá cao năng lực giảng dạy cũng như nghị lực vươn lên làm lại cuộc đời của thầy Thành. 

Tâm sự về việc chia sẻ câu chuyện từng ngồi tù, thầy giáo Trung Thành cho biết, không mặc cảm hay lo lắng các đồng nghiệp, sinh viên có cái nhìn khác về mình. "Người thầy tốt không nhất định chỉ học từ những cái tốt hoặc 100% là người tốt. Thầy từng trải sẽ chia sẻ cho học sinh được nhiều kinh nghiệm quý giá. Những ngày tháng ở tù tôi có chua xót nhưng thật đáng trân quý. Tôi coi đây là thời gian để học hỏi vì nó giúp tôi biết suy nghĩ, bao dung hơn với mọi người. Đây cũng là bài học để thế hệ sau không vấp ngã như mình nữa", thầy giáo đi từ trại giam tăm tối tới giảng đường ĐH chia sẻ. 



Quỳnh Trang

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

This website strongly recommends: