Bệnh bạch hầu là bệnh gì?
Bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở amidan hầu họng, thanh quản, mũi, có các biểu hiện trên da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh có diễn biến cực kỳ phức tạp và nguy hiểm. Đặc biệt, bạch hầu có khả năng lây lan mạnh và bùng phát thành dịch.
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là tác nhân chính gây bệnh bạch hầu. Vi khuẩn có thể lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc với đồ vật có dính chất bài tiết của người nhiễm bệnh. Người bệnh có khả năng lây bệnh cho người lành kể cả khi không biểu hiện triệu chứng của bệnh hoặc khi đã hết triệu chứng của bệnh.
Vi khuẩn bạch hầu ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố, độc tố này sẽ xâm nhập vào dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở:
· Mũi;
· Họng;
· Lưỡi;
· Đường thở (khí quản).
Trong một số trường hợp, những độc tố do vi khuẩn tiết ra có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, não và thận. Do vậy, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng, ví dụ như viêm cơ tim, liệt hoặc suy thận.
Những đối tượng dễ mắc bệnh bạch hầu
Trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có thể lây lan. Với những người chưa được tiêm chủng, trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu. Những người sau đây cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu:
· Người không được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch;
· Đi tới vùng dịch hoặc những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp;
· Người bị các rối loạn miễn dịch, ví dụ như bị AIDS;
· Người sống trong môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp.
Dấu hiệu nhận biết bạch hầu
Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.
Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
· Sốt;
· Ớn lạnh;
· Sưng các tuyến ở cổ;
· Ho ông ổng;
· Viêm họng, sưng họng;
· Da xanh tái;
· Chảy nước dãi;
· Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm:
· Khó thở hoặc khó nuốt;
· Thay đổi thị lực;
· Nói lắp;
· Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh.
Điều trị bạch hầu
Người bị bạch hầu sẽ được tiêm một loại giải độc tố đặc hiệu để chống lại độc tố của vi khuẩn, kết hợp với kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu. Những trường hợp quá nặng cần phải mở đường thở, hỗ trợ hô hấp, đặt máy tạo nhịp cho tim…
Phòng bệnh bạch hầu như thế nào?
Hiện nay, tiêm vắc-xin là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất. Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu thường được tiêm phối hợp với vắc-xin phòng uốn ván và ho gà (vắc-xin DPT) trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc phối hợp trong vắc-xin 5 trong 1, vắc-xin 6 trong 1. Ngoài ra, để phòng bệnh, các bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:
· Giữ vệ sinh cá nhân và không gian sống;
· Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn;
· Đeo khẩu trang khi tới những nơi đông người;
· Hạn chế đi tới những nơi đông người và vùng nghi có dịch;
· Chủ động nâng cao sức đề kháng để phòng bệnh.
Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng. Chính vì vậy, chúng ta hãy tuân thủ các biện pháp phòng bệnh để ngăn chặn bệnh lây lan trong cộng đồng và bùng phát thành dịch.