Quản Lý Chất Lượng

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VỚI 5S
[ Cập nhật vào ngày (09/05/2017) ]

5S là một phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc. Áp dụng lần đầu tiên ở Toyota vào những năm 1980 và phát triển rất nhanh sau đó ở các công ty Nhật Bản. Phổ biến sang nhiều nước khác Singapore, Trung Quốc, Ba Lan... Việt Nam, 5S lần đầu tiên được áp dụng vào năm 1993, ở 1 công ty Nhật (Vyniko). Hiện nay, rất nhiều công ty sản xuất ở Việt Nam áp dụng 5S vì có nhiều lợi ích: chỗ làm việc sạch sẽ, gọn gàng; mọi người đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ; năng suất lao động cao; hiệu quả tức thời hiện ra ngay trước mắt; Tạo hình ảnh tốt cho công ty.


1. Vậy 5S là gì? 

5S là chữ cái đầu của các từ tiếng Nhật “SEIRI”, “SEITON”, “SEISO”, SEIKETSU” và “SHITSUKE”, tạm dịch sang tiếng Việt là “SÀNG LỌC”, “SẮP XẾP”, “SẠCH SẼ”, “SĂN SÓC”, “SẴN SÀNG”. Từ ý nghĩa của các từ bắt đầu bằng 5 chữ S, các nguyên tắc chung của thực hành 5S được hiểu như sau:


Tiếng Nhật

Tiếng Anh

Tiếng Việt

Nội dung

S1

Seiri

Sort

Sàng lọc

Xác định và loại bỏ những thứ không cần thiết/không sử dụng, giảm bớt sự bề bộn

S2

Seiton

Set in order

Sắp xếp

Tổ chức các vật cần sử dụng vào đúng vị trí và thuận tiện cho việc sử dụng

S3

Seiso

Shine

Sạch sẽ

Đạt được và duy trì sự sạch sẽ

S4

Seiketsu

Standardize

Săn sóc

Thiết lập 3S đầu tiên thành tiêu chuẩn thực hiện nơi làm việc

S5

Shitsuke

Sustain

Sẵn sàng

Huấn luyện và duy trì đúng theo các nguyên tắc từ S1-S4

2. Tại sao nên thực hiện 5S

Thực hành 5S là một chương trình đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người trong tổ chức/doanh nghiệp. Đây là một phương pháp hiệu quả để huy động con người, cải tiến môi trường làm việc và nâng cao năng suất.

Nguyên tắc của thực hành 5S hết sức đơn giản, không đòi hỏi phải dùng các thuật ngữ hay phương pháp phức tạp nào trong quá trình thực hiện. Thành công trong thực hành sẽ giúp các tổ chức/doanh nghiệp đạt được năng suất cao hơn thông qua:

– Xây dựng một môi trường sạch sẽ, ngăn nắp.

– Mọi người trong cũng như ngoài tổ chức/doanh nghiệp dễ dàng nhận thấy rõ kết quả.

– Tăng cường phát huy sáng kiến.

– Nâng cao ý thức kỷ luật trong cơ quan.

– Chỗ làm việc trở nên thuận tiện và an toàn.

– Cán bộ công nhân viên tự hào về nơi làm việc.

– Xây dựng hình ảnh tổ chức/doanh nghiệp, đem lại cơ hội trong quản lý, kinh doanh…

3. Các yếu tố cơ bản để thực hiện thành công chương trình thực hành 5S:

– Cũng như đối với việc áp dụng công cụ nâng cao năng suất chất lượng nào, việc áp dụng thực hành 5S đòi hỏi sự cam kết và ủng hộ của Lãnh đạo cao nhất thông qua việc chỉ đạo thực hiện, tập trung nguồn lực, kinh phí và thời gian.

– Đào tạo và hướng dẫn mọi cán bộ nhân viên trong tổ chức/doanh nghiệp hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa cũng như phương pháp để thực hiện. Từ đó mỗi phòng ban/phân xưởng có thể chủ động đưa ra kế hoạch thực hiện tại đơn vị của mình.

– Sự tham gia của tất cả mọi người – Bí quyết thành công của chương trình thực hành 5S là tạo một môi trường khuyến khích mọi người tích cực tham gia, phát huy sáng kiến và duy trì mội trường làm việc sạch sẽ, thuận lợi và an toàn.

– Duy trì và cải tiến không ngừng, tạo nên một nguyên tắc hoạt động trong tổ chức/doanh nghiệp để đảm bảo tính hiệu quả trong quản lý và kinh doanh.

 4. Tổ chức/doanh nghiệp nào có thể áp dụng thực hành 5S

  Thực hành 5S có thể áp dụng tại bất kỳ tổ chức/doanh nghiệp nào: Quản lý, sản xuất, dịch vụ, thương mại.

Thực hành 5S thành công tạo nên một môi trường làm việc sạch sẽ, lành mạnh và an toàn, đem lại hiệu quả và thành công cho chính doanh nghiệp. Còn chần chừ gì nữa, chúng ta tiếp tục chương trình nâng cao Năng suất- Chất lượng bằng việc áp dụng thực hành 5S!

  5. Các bước áp dụng 5S:

  a. SERI (SÀNG LỌC): Là loại bỏ những cái không cần thiết:

  Bước 1:

– Bạn hãy quan sát kỹ nơi làm việc của mình cùng với một vài đồng nghiệp.

– Hãy phát hiện và xác định những cái không cần thiết cho công việc của bạn.

– Hãy phát hiện và xác định những cái không cần thiết cho công việc của bạn.

- Hãy phát hiện – Sau đó thì vứt bỏ (hủy) những cái không cần thiết.

- Đừng giữ lại những thứ gì không cần thiết cho công việc của bạn.

Bước 2:

Nếu bạn và đồng nghiệp của bạn không thể quyết định ngay được là một thứ gì đó có còn cần thiết cho công việc hay không thì hãy đánh dấu sẽ hủy kèm theo ngày tháng sẽ hủy và để riêng ra một nơi.

Bước 3:

– Sau một thời gian, ví dụ 3 tháng – bạn hãy kiểm tra lại xem có ai cần đến cái đó không. Nếu sau 3 tháng không thấy ai cần đến, tức là cái đó không cần cho công việc nữa.

– Nếu bạn không thể tự mình quyết định thì hãy để ra một thời hạn để xử lý.

Chú ý:

–    Khi sàng lọc, bạn không được quên những gì để trong ngăn tủ.

–    Việc hủy những cái không cần thiết có thể.

–   Khi hủy những thứ thuộc tài sản của tổ chức/doanh nghiệp, bạn nên báo cáo cho người có thẩm quyền biết. Bạn cũng nên thông báo cho những nơi đã cung cấp những nguyên vật liệu, tài liệu thừa đó.

–   Khi quan sát xung quanh để tìm ra những thứ không cần thiết ở nơi làm việc của bạn. Hãy tìm mọi nơi, mọi ngóch ngách giống như khi bạn tìm diệt một con Gián vậy. Và sẽ là một phần thưởng nếu trong quá trình đó bạn tìm lại một vài vật có ích mà lâu nay bạn không nhớ để ở đâu.

b. SEITON (SẮP XẾP): Đặt mọi thứ đúng chỗ sao cho thuận lợi khi sử dụng:

Bước 1:

– Bạn phải tin là mọi thứ không cần thiết đã được loại bỏ ra khỏi nơi làm việc của bạn.

– Việc còn lại là bạn hãy suy nghĩ xem để cái gì ở đâu là thuận tiện theo quy trình làm việc đồng thời bảo đảm thẩm mỹ và an toàn.

Bước 2:

– Bạn hãy trao đổi với các đồng nghiệp về cách sắp xếp bố trí trên quan điểm thuận tiện cho thao tác.

– Một nguyên tắc cần chú ý là cái gì thường xuyên hay phải sử dụng đến thì phải đặt gần người sử dụng để đỡ phải đi lại. Cái gì ít dùng hơn thì để xa hơn. Bạn hãy phác thảo cách bố trí và trao đổi với đồng nghiệp, sau đó thực hiện.

Bước 3:

– Bạn phải làm sao cho các đồng nghiệp của mình đều biết được cái gì để ở chỗ nào để tự họ sử dụng mà không phải hỏi ai.

– Tốt nhất là bạn nên có một danh mục các vật dụng và nơi lưu giữ. Hãy ghi chú trên từng ngăn kéo, ngăn tủ, cặp tài liệu để mọi người biết cái gì được lưu giữ ở đó.

Bước 4:

Hãy áp dụng nguyên tắc này để chỉ rõ nơi đặt bình cứu hỏa và những chỉ dẫn cần thiết khác.

Chú ý:

– Mục đích của SEITON (SẮP XẾP) là làm cho nơi làm việc của bạn được an toàn, hiệu quả khi làm việc. Vì vậy, những vật như rèm, màn che để dấu những vật dụng ở phía sau là không cần thiết.

– Nếu bạn có được tiêu chuẩn quy định mức tối thiểu và tối đa lưu giữ vật liệu, tài liệu thì càng tốt.

c. SEISO (SẠCH SẼ): Làm vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc:

Có một mối quan hệ rất mật thiết giữa chất lượng sản phẩm và sự sạch sẽ ở nơi làm việc, nơi chế tạo sản phẩm. Như vậy, SEISO (Sạch sẽ) phải được thực hiện hàng ngày, đôi khi là trong suốt cả ngày. Sau đây là một vài gợi ý cho SEISO (Sạch sẽ) của bạn:

– Đừng đợi đến lúc dơ bẩn mới vệ sinh. Hãy quét dọn, vệ sinh nơi làm việc kể cả máy móc thiết bị, dụng cụ, đồ đạc…một cách thường xuyên, làm cho những thứ trên đây không còn cơ hội để dơ bẩn.

– Giành 3 phút mỗi ngày để làm SEISO (Sạch sẽ).

– Bạn và các đồng nghiệp của bạn có trách nhiệm với môi trường xung quanh nơi làm việc.

– Những người làm vệ sinh chuyên nghiệp chỉ chịu trách nhiệm ở những nơi công cộng.

– Nếu bạn muốn làm việc trong một môi trường sạch sẽ và an toàn, tốt nhất là bạn hãy tạo ra môi trường đó.

– Đừng bao giờ xả rác, khạc nhổ bừa bãi và hãy tạo một thói quen sạch sẽ.

Vệ sinh dọn dẹp cũng là một hành động kiểm tra. Điều này rất quan trọng đối với các nhà máy, công xưởng. Nếu bạn thấy điều này đúng thì hãy bắt đầu từ ngày hôm nay.

Chú ý:

Ngoài 3 phút hàng ngày cho SEISO, bạn nên có thói quen làm SEISO trong tuần, trong tháng. Cái lợi do SEISO mang lại sẽ lớn hơn nhiều lần so với thời gian bỏ ra.

d. SEIKETSU (SĂN SÓC): Duy trì sự vệ sinh sạch sẽ ở mức độ cao:

Để không lãng phí những nỗ lực đã bỏ ra, bạn không nên dừng lại sau khi đã thực hiện được 3S. Sau đây là những gợi ý cho SEIKETSU (Săn sóc) của bạn:

– Tạo ra một hệ thống nhằm duy trì sự sạch sẽ, ngăn nắp ở nơi làm việc; cần có lịch làm vệ sinh.

– Phong trào thi đua giữa các Phòng, ban, phân xưởng cũng rất quan trọng và hiệu quả trong việc lôi kéo, cuốn hút mọi người tham gia 5S.

Chú ý: Cần chỉ rõ tên người chịu trách nhiệm về nơi làm việc hay máy móc; Kiểm tra và đánh giá thường xuyên do thành viên của tổ, nhóm, đội 5S của đơn vị thực hiện; Đừng chỉ có tìm chỗ xấu, kém để phê bình mà phải chú ý tìm ra cái hay, cái tốt để khen thường động viên.

e. SHITSUKE (SẴN SÀNG): Thực hiện các S trên một cách tự giác mà không cần phải có ai đó nhắc nhở hay ra lệnh:

– Cần phải làm cho mọi người thực hiện 4S một cách tự giác như là một thói quen hay lẽ sống.

– Không có cách nào thúc ép thực hiện 5S hơn là thường xuyên thực hành nó cho tới khi mà mọi người đều yêu 5S.

– Cần tạo ra một bầu không khí lành mạnh để mọi người thấy không thể thiếu 5S. Muốn vậy bạn cần phải chú ý:

+ Coi nơi làm việc như là ngôi nhà thứ hai của bạn.

+ Nhận thức được Công ty như là nơi bạn tạo ra thu nhập cho bạn và cho gia đình bạn.

+ Nếu bạn mong muốn và thường xuyên làm cho ngôi nhà của bạn sạch sẽ, vệ sinh, ngăn nắp thì tại sao bạn lại không cố gắng làm cho nơi làm việc của bạn sạch sẽ, thoải mái, dễ chịu như ở nhà.

Chú ý: Để nâng cao SHITSUKE (Sẵn sàng) của nhân viên trong tổ chức/doanh nghiệp thì vai trò của người phụ trách cực kỳ quan trọng. Người phụ trách phải là tấm gương về 5S để mọi người noi theo.

6. Các giá trị mang lại từ 5S khi áp dụng tại bệnh viện
  6.1. Lợi ích cho bệnh nhân

Vậy những gì việc thực hiện năm bước của 5S có thể mang đến cho người bệnh? Có nhiều lợi ích cho người bệnh. Một cơ sở y tế gọn gàng và sạch sẽ sẽ:

·   Ít xảy ra sai sót trong lâm sàng.

·   Giúp người bệnh không phải chờ đợi điều trị quá lâu.

·   Hoạt động ít tốn kém hơn và giúp giảm chi phí y tế.

·   Mang đến một cảm giác khỏe mạnh, giúp ích cho tinh thần của người bệnh và nhân viên y tế.

6.2. Lợi ích cho nhân viên y tế

·   Tạo cơ hội để nhân viên y tế đưa ra những ý kiến sáng tạo về cách tổ chức và vận hành nơi làm việc.

·   Tạo môi trường làm việc dễ chịu hơn cho nhân viên.

·   Giúp nhân viên y tế thỏa mãn hơn trong công việc.

·   Giúp nhân viên y tế xác định rõ hơn những gì đang muốn thực hiện, khi nào và ở đâu.

·   Giúp nhân viên y tế giao tiếp và làm việc với mọi người dễ dàng hơn.

6.3. Các lợi ích cho đơn vị y tế

Không sai sót giúp chất lượng cao hơn

Các sai sót y khoa do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả việc sử dụng nhầm thuốc và điều trị nhầm bệnh nhân. Sàng lọc và Sắp xếp ngăn chặn các loại lỗi này. Hơn nữa, việc bảo quản thiết bị và môi trường làm việc sạch sẽ giảm “thời gian đi" cho việc tìm kiếm dụng cụ thất lạc. Những lợi ích này và các kết quả khác trong việc thực hiện 5S giúp gia tăng thời gian thăm khám tại giường bệnh và góp phần làm giảm những sai sót trong lâm sàng.

Không lãng phí giúp chi phí thấp hơn

Luôn có quá nhiều lãng phí trong một cơ sở y tế. Thực hiện 5S có thể giúp loại bỏ các loại lãng phí sau đây:

·   Lưu trữ vật tư nhiều quá mức cần thiết tại các nhà kho trung tâm

·   Sử dụng quá nhiều không gian cho việc lưu trữ

·   Mất thời gian cho việc tìm kiếm hoặc chờ đợi các thuốc hoặc thiết bị khó tìm.

·   Lãng phí thao tác do các vật tự và trang thiết bị đặt ở các vị trí khó tiếp cận.

 Không chậm trể nghĩa là người bệnh không chờ đợi

Tại các cơ sở y tế không thực hiện 5S triệt để, thời hạn làm việc thì qua nhanh và người bệnh thì chờ đợi trong khi mọi người thì lại đang bận rộn cố gắng để nhớ những gì họ đã làm cho người bệnh trước đó, tìm kiếm trang thiết bị và vật tư, chờ đợi các bác sĩ thực hiện thăm khám, chờ đợi kết quả xét nghiệm ... Thật là khó khăn khi bắt người bệnh phải chờ đợi do các vấn đề như: sự di chuyển lãng phí và quá nhiều sai sót và các khiếm khuyết cả về hành chính và lâm sàng. Khi các vấn đề này được loại trừ, các quy trình trở nên đáng tin cậy hơn và người bệnh được đối xử tốt hơn như họ mong muốn.

Không rối loạn thúc đẩy an toàn 

Tổn thương cho người bệnh hoặc đội ngũ nhân viên có thể xảy ra khi trang thiết bị, thuốc men, vật tư để trong các hành lang và khi các vật dụng được chất đống cao trong khu vực lưu trữ, hoặc khi các bề mặt nơi làm việc và thiết bị bị bao phủ bởi bụi và các chất bẩn khác.

Không có những tình trạng bất thường giúp cho các quy trình luôn ở trạng thái sẵn sàng

Khi công việc bảo dưỡng hàng ngày được tích hợp với nhiệm vụ làm sạch hàng ngày, nhân viên y tế sẽ phát hiện các sự cố trước khi chúng gây ra sai sót và trì hoãn trên lâm sàng. Bằng cách này, khu vực làm việc và trang thiết bị được chuẩn bị tốt hơn để sử dụng. Khu vực làm việc và trang thiết bị được bảo dưỡng tốt và sạch sẽ có nghĩa là các sự cố làm gián đoạn quy trình xảy ra ít hơn và việc chẩn đoán và sửa chữa khi sự cố xảy ra cũng dễ dàng hơn.

Không khiếu nại mang đến sự tự tin và tin tưởng hơn

Những cơ sở y tế thực hiện 5S hầu như thoát được các sai sót và trì hoãn trên lâm sàng. Điều này có nghĩa là họ cũng thoát khỏi sự phàn nàn của người bệnh về chất lượng điều trị. Điều trị tại một nơi làm việc gọn gàng và sạch sẽ:

·   Sẽ ít xảy ra các sai sót.

·   Sẽ giảm chi phí.

·   Không làm cho bệnh nhân chờ đợi.

·   An toàn.

Nâng cao tinh thần nhân viên sẽ hạn chế nhân viên nghỉ việc

Việc thực hiện 5S có thể giúp cải thiện đáng kể tinh thần nhân viên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nhân viên y tế hài lòng hơn với môi trường làm việc của họ sẽ ít có khả năng tìm kiếm việc làm ở nơi khác. Xét về chi phí, trung bình (tại Hoa Kỳ), mất hơn $80.000 để thay thế một y tá, điều này mang lại lợi ích về tài chính rất đáng kể cho đơn vị.

Không thâm hụt giúp ổn định tài chính

Các cơ sở y tế không thể tăng doanh thu mà không cần đến việc cung cấp dịch vụ chăm sóc có chất lượng hoặc có được sự tin tưởng của người bệnh. Năm trụ cột của 5S cung cấp một nền tảng vững mạnh cho việc xây dựng chất lượng và niềm tin của người bệnh và kế đến, là lòng trung thành của người bệnh. Do đó, các cơ sở y tế với một nền tảng 5S vững chắc có nhiều khả năng trở nên ổn định về tài chính hơn.




Maliah Tran

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

\\