hoạt động khoa học

Phần mềm quản lý sự cố y khoa - Công trình đạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Toàn Quốc lần thứ 17 (2022-2023) của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
[ Cập nhật vào ngày (28/03/2024) ]

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau lần thứ VIII (năm 2022-2023) phát động vào tháng 12 năm 2021; Thời gian nhận hồ sơ, giải pháp dự thi từ ngày 01/01/2023 đến ngày 01/7/2023; Thời gian gửi hồ sơ, giải pháp dự thi toàn quốc vào ngày 31/8/2023. Hội thi nhận được tổng số 195 hồ sơ, giải pháp tham gia dự thi ở các địa phương của 335 tác giả (cá nhân, nhóm tác giả). Ban tổ chức đã tiến hành thành lập ban giám khảo để chấm thi và chọn ra 24 giải pháp đạt giải, trong đó có 02 giải Nhì, 07 giải Ba, 15 giải Khuyến khích. Ban tổ chức đã chọn 20 giải pháp gửi dự thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc lần thứ 17, kết quả có 01 giải pháp “Phần mềm quản lý sự cố y khoa” của nhóm tác giả: Trần Hải Lâm - Huỳnh Văn Tạo - Hà Thanh Sơn đạt giải Khuyến khích (theo Quyết định số:1236/QĐ-LHHVN ngày 29 tháng 12 năm 2023).


I. GIỚI THIỆU, MÔ TẢ GIẢI PHÁP

Sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Quản lý dữ liệu về sự cố y khoa có thể giúp nhân viên y tế học tập, rút kinh nghiệm từ sự cố, phòng tránh được các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cho người bệnh.

Việc sử dụng công nghệ thông tin để quản lý sự cố y khoa là phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Mặt khác, ứng dụng công nghệ thông tin  sẽ giúp cho nhân viên y tế dễ dàng, mạnh dạn tự nguyện báo cáo sự cố y khoa, giúp cho nhà quản lý dễ dàng tổng hợp, phân tích dữ liệu về sự cố, từ đó có thể đề ra các giải pháp phòng ngừa sự cố y khoa phù hợp, kịp thời và hiệu quả.

Đó là lý do chúng tôi viết Phần mềm Quản lý sự cố y khoa để áp dụng vào công tác quản lý và báo cáo sự cố y khoa tại bệnh viện.

1. Cấu trúc và chức năng của phần mềm quản lý sự cố y khoa

Phần mềm Quản lý Sự cố y khoa được thiết kế kết hợp từ 3 ứng dụng của Google là Appsheet, Google looker studio và Google forms với cơ sở dữ liệu Google sheets.

Phần mềm gồm 2 module chính và 1 form phụ  cụ thể như sau:

1. 1. Module báo cáo

*Chức năng của Module báo cáo:

- Giúp cho Khoa, Phòng và Nhân viên y tế báo cáo sự cố y khoa.

- Giúp cho lãnh đạo khoa, phòng quản lý, xem danh sách sự cố y khoa của khoa, phòng mình đã báo cáo và chi tiết từng sự cố.

- Xem kết quả phản hồi về sự cố sau khi được tìm hiểu, phân tích và được nhóm chuyên gia đánh giá theo quy định của Thông tư 43/2018/TT-BYT.

- Giúp các khoa, phòng báo cáo kết quả triển khai giải pháp khắc phục theo đề xuất của nhóm chuyên gia.

- Nhập báo cáo tổng hợp sự cố hàng tháng.

- Xem các văn bản rút kinh nghiệm từ sự cố y khoa được bệnh viện thông báo.

1. 2. Module quản lý

 * Chức năng của Module quản lý

- Lưu trữ, truy xuất danh sách các sự cố y khoa được báo cáo. Phần này giúp cho viên chức quản lý và các cấp quản lý lưu trữ, truy xuất danh sách sự cố của các khoa/phòng và của nhân viên y tế toàn bệnh viện báo cáo lên phần mềm.

- Chức năng Tìm hiểu và phân tích sự cố: phân này giúp cho viên chức quản lý tìm hiểu, phân tích sự cố và in kết quả theo phụ lục IV (phần A) của Thông tư 43/2018/TT-BYT.

- Chức năng Đánh giá sự cố: Phần này giúp cho nhóm chuyên gia đánh giá sự cố theo phụ lục IV (phần B) của Thông tư 43/2018/TT-BYT.

- Chức năng quản lý danh sách sự cố theo Bộ Tiêu chí Chất lượng bệnh viện Việt Nam.

- Chức năng xuất báo cáo sự cố y khoa của bệnh viện theo mẫu phụ lục III, Thông tư 43/2018/TT-BYT:

- Chức năng tìm kiếm, trích lọc dữ liệu, thống kê, kết xuất thành biểu đồ trực tuyến và xuất ra danh sách ra file excel.

1.3. Form báo cáo phụ

Form báo cáo phụ là form được viết từ Google forms. Mục đích của form này là khuyến khích nhân viên y tế tự nguyện báo cáo sự cố y khoa bằng cách gửi trực tiếp về Bộ phận quản lý sự cố của bệnh viện, không thông qua mạng lưới báo cáo sự cố của khoa, phòng. Nhân viên y tế có thể đăng nhập vào form này từ mã QR code.


                   Hình: Giao diện chính của phần mềm quản lý sự cố y khoa trên máy tính bàn

2. Quy trình Quản lý sự cố  y khoa trên phần mềm

Bước 1: Báo cáo sự cố y khoa

Bước 2: Tiếp nhận báo cáo và phân tích sự cố.

Bước 3: Đánh giá sự cố, tìm nguyên nhân gốc rễ và đề xuất giải pháp phòng ngừa.

Bước 4: Lập danh sách quản lý theo Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện.

Bước 5: Tiếp nhận các thông tin về sự cố được phản hồi.

Bước 6. Triển khai các giải pháp khắc phục, phòng ngừa và báo cáo kết quả triển khai.

Bước 7. Báo cáo, thống kê sự cố định kỳ hay đột xuất.


II. TÍNH MỚI, SÁNG TẠO; HIỆU QUẢ VÀ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG

   2.1. Tính mới và sáng tạo

Đây là hệ thống quản lý toàn diện công tác báo cáo, quản lý sự cố y khoa bằng bằng hình thức số hoá thay thế hình thức quản lý bằng hồ sơ văn bản giấy, cụ thể như sau:

- Hệ thống báo cáo, quản lý sự cố y khoa bằng phần mềm trực tuyến, các báo cáo thể hiện dưới dưới dạng số hoá, thay thế hoàn toàn hệ thống báo cáo, quản lý sự cố bằng văn bản.

- Phần mềm chạy trên nền web, không cần cài đặt. Nhân viên y tế có thể báo cáo sự cố y khoa dễ dàng bằng smartphone hoặc máy tính thông qua tài khoản được phân quyền hoặc mã QR code.

- Hình ảnh về sự cố và các chứng cứ về triển khai giải pháp khắc phục có thể được ghi lại, gửi lên và lưu trữ trên phần mềm báo cáo sự cố.

- Phần mềm tự động thống kê, phân tích số liệu, trực quan hóa số liệu dưới dạng biểu đồ trực tuyến và có thể chia sẻ kết quả báo cáo dễ dàng.

- Lãnh đạo Bệnh viện có thể giám sát hoạt động báo cáo, quản lý sự cố bất cứ khi nào cần thiết.

   2.2. Hiệu quả và khả năng áp dụng

            2.1. Lợi ích cho nhân viên y tế

- Đối với người báo cáo sự cố: Báo cáo sự cố y khoa được dễ dàng, tiện lợi, giảm thời gian so với dùng báo cáo giấy vì có thể dùng điện thoại smartphone để báo cáo.

- Đối với người quản lý sự cố: giảm được thời gian tổng hợp, phân tích số liệu và kết xuất số liệu báo cáo. Xuất được Báo cáo dưới dạng bảng số liệu hoặc biểu đồ theo đình kỳ hay đột xuất.

- Khuyến khích nhân viên y tế báo cáo sự cố tự nguyện và học tập được kinh nghiệm từ các sự cố được báo cáo, góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện và an toàn cho người bệnh.

2.2. Lợi ích cho bệnh viện

- Phù hợp: Phù hợp với công cuộc chuyển đổi số các thủ tục hành chính trong đơn vị sự nghiệp y tế. Phần mềm đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý sự cố y khoa tại bệnh viện theo các tiêu chuẩn về áp dụng công nghệ thông tin trong Quản lý Sự cố y khoa được quy định tại Thông tư 43/2018/TT-BYT và Chương D2 của Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện.

- Có tính hệ thống và khoa học trong quản lý sự cố y khoa tại bệnh viện: Phần mềm giúp thu thập báo cáo sự cố y khoa được dễ dàng, đầy đủ theo phụ lục III của Thông tư 43/2018/TT-BYT; giúp bộ phận quản lý sự cố y khoa của bệnh viện phân tích, đánh giá sự cố theo mẫu phụ lục IV của Thông tư 43/2018/TT-BYT;  xuất được các danh sách, biểu đồ theo các tiêu chí của Chương D2, Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện. Phần mềm tự động phản hồi đến khoa, phòng  và nhân viên y tế về sự cố sau khi được phân tích, đánh giá; giúp bộ phận quản lý sự cố quản lý được kết quả phản hồi có được khoa, phòng xem lại hay chưa.

- Hiệu quả về kinh tế: Giảm được nhiều chi phí ( gồm chi phí về nhân lực, tài chính, giờ công lao động) so với việc quản lý, báo cáo sự cố y khoa bằng hồ sơ văn bản giấy.

2.3. Khả năng áp dụng của giải pháp

Phần mềm có thể áp dụng rộng rãi tại nhiều Bệnh viện và Trung tâm y tế có giường bệnh trong cả nước để quản lý sự cố y khoa theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Quản lý sự cố bằng phần mềm có thể linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với quy trình quản lý sự cố y khoa khác nhau của các bệnh viện khác nhau một cách dễ dàng, nhanh chóng.






Mailah Nart

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

This website strongly recommends: